162,06 tỷ USD là tổng kim ngạch xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và Trung Quốc tính hết tháng 11/2022
(Nguồn: Tổng cục Hải quan)
Các giải pháp phục hồi kinh tế Trung Quốc hiện nay được định hình từ cương lĩnh Đại hội lần thứ 20 Đảng Cộng sản nước này. Theo đó, Trung Quốc chủ yếu định hướng tăng trưởng kinh tế dựa vào một số trụ cột kinh tế trong nước.
Tận dụng nội lực
Nhiều thập niên trước, những đợt bùng nổ kinh tế ở Trung Quốc đều được hỗ trợ tối đa bởi nguồn lực công. Giai đoạn 2008 - 2018, các ngân hàng Trung Quốc nhận lệnh bơm tối đa vốn ra thị trường. Nhưng thời kỳ đầu tư, xây dựng cơ bản, cho vay ồ ạt đã khép lại sau khi những doanh nghiệp khổng lồ ngập trong nợ nần. Từ khi nới lỏng biện pháp chống dịch, các nhà hoạch định chính sách ở Bắc Kinh muốn tận dụng nhu cầu tiêu dùng nội địa để tái khởi động guồng máy kinh tế hơn là biện pháp đầu tư xây dựng cơ bản, triển khai dự án bên ngoài lãnh thổ.
Dữ liệu chính thức, gồm khảo sát kinh doanh và doanh số bán hàng cho thấy mức tăng trưởng mạnh nhất ở nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đến từ các ngành dịch vụ, như nhà hàng, quán bar và du lịch. Nghĩa động lực tăng trưởng kinh tế Trung Quốc không còn đến từ nhiều trụ cột lớn như những năm trước. Trung Quốc đang thắt chặt chính sách tiền tệ, về mặt kỹ thuật là không bơm thêm vốn một cách dễ dãi ra thị trường, thay vào đó kích thích để người dân chi tiêu khoản “đóng băng” sau 3 năm bị phong tỏa bởi đại dịch. Chi tiêu nội địa tăng giúp doanh nghiệp trong nước mở rộng hoạt động sản xuất kinh doanh; đồng thời làm cạn khối lượng tiền mặt trong dân chúng- để tránh lạm phát.
Trong bối cảnh Trung Quốc tăng cường đưa cả khâu sản xuất và tiêu thụ dựa nhiều hơn vào trong nước, giảm sự phụ thuộc vào bên ngoài, thì các quốc gia có quan hệ thương mại sâu rộng với quốc gia này sẽ gặp không ít khó khăn, thách thức. Điều này cũng sẽ làm giảm động lực tăng trưởng kinh tế toàn cầu. Các nhà kinh tế tại Goldman Sachs cho rằng, việc Trung Quốc mở cửa trở lại sẽ đóng góp thêm 1 điểm phần trăm vào tăng trưởng kinh tế toàn cầu trong năm nay, chủ yếu thông qua nhu cầu năng lượng cao hơn, nhập khẩu cao hơn và du lịch quốc tế trở lại. Nhưng, Trung Quốc hiện nay đầy ắp dầu mỏ và khí đốt, nên nhu cầu nhập khẩu không còn cao như trước, thậm chí Trung Quốc nới hạn ngạch xuất sang châu Âu. Ngoài ra, việc tăng cường chủ nghĩa bảo hộ, bảo trợ doanh nghiệp nội địa có thể dẫn đến việc khép bớt những con đường thông quan hàng hóa trên bộ và trên biển.
Ông Robin Xing, Chuyên gia kinh tế trưởng về Trung Quốc tại Morgan Stanley, đã chỉ ra rằng, trong những năm trước, các cuộc gặp trực tiếp đặc biệt quan trọng đối với hoạt động kinh doanh ở Trung Quốc, nhưng những tương tác như vậy không dễ dàng được thực hiện trong thời gian tới.
Đối sách của Việt Nam
Trong một số năm trở lại đây, cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam bắt đầu cảm nhận “cơn gió lạ” khi hợp tác kinh doanh với đối tác Trung Quốc. Đầu tiên là hàng rào kỹ thuật được nâng cao hơn; hiện tượng đóng biên bất thình lình bảo vệ ngành nông sản trong nước lúc vào vụ,…
“Khủng hoảng thừa” nông sản là bài học xương máu để các nhà hoạch định chính sách Việt Nam tận thấy nhu cầu cấp bách chế biến sâu, mở rộng đối tác đầu tư, thương mại sang phía Tây bán cầu. Một trong những thành tựu nổi bật nhất là biến Hoa Kỳ thành thị trường xuất khẩu lớn nhất, tổng kim ngạch 109,1 tỷ USD năm 2022. Hàng loạt mặt hàng nông sản “đánh chiếm” thị trường ngoài Trung Quốc.
Giảm hàm lượng xuất khẩu thô, tăng xuất khẩu sản phẩm chế biến, sản phẩm công nghiệp, tạo điều kiện cho hàng hóa Việt Nam tham gia sâu hơn vào chuỗi sản xuất và cung ứng toàn cầu. Diễn tiến này phù hợp với chiến lược phát triển kinh tế Việt Nam. Đây là điều chưa từng có khi buôn bán tiểu ngạch với thương lái Trung Quốc. Sự biến động chính sách kinh tế Trung Quốc cũng đặt ra đòi hỏi buộc Việt Nam tự hình thành chuỗi cung ứng cho riêng mình - chuỗi cung ứng ngắn, tạo điều kiện cho doanh nghiệp trong nước tham gia cung ứng, thay vì chờ đợi mọi thứ nguyên vật liệu ở bên kia biên giới.
Tuy nhiên trong ngắn hạn, việc Trung Quốc chuyển đổi động lực tăng trưởng ít nhiều có tác động tiêu cực đến kinh tế Việt Nam, nhất là hoạt động xuất khẩu sang Trung Quốc. Ngoài ra, tình trạng thâm hụt thương mại của Việt Nam có thể sẽ ngày càng lớn do đồng Nhân dân tệ giảm giá, tăng áp lực cạnh tranh cho những doanh nghiệp nội địa. Các chuyên gia cho rằng, các cơ quan chức năng Việt Nam cần nâng cao cảnh giác, tăng cường giám sát việc gian lận xuất xứ hàng hóa, trung chuyển hàng hóa bất hợp pháp, gây thiệt hại cho người tiêu dùng, dẫn đến nguy cơ hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam bị các nước điều tra, áp thuế chống bán phá giá.